Lễ hội năm mới là thời gian để ở bên gia đình, bạn bè và những người thân yêu, là thời khắc mà mỗi người đều hướng đến niềm hy vọng tương lai bằng thái độ tích cực hơn. Không chỉ có pháo hoa, hay sắc màu rực rỡ, nhiều quốc gia còn có những lễ hội độc đáo để chào đón năm mới.
Không khí lễ hội, đặc biệt là dịp năm mới luôn mang đến cho tất cả mọi người những xúc cảm khó tả: bồi hồi nhớ lại những gì mình đã làm được trong một năm vừa qua, hồi hộp đón chờ một năm mới sắp đến, hạnh phúc khi được quây quần bên người thân và gia đình.
Nhật Bản
Tết cổ truyền trong tiếng Nhật gọi là Oshogatsu, bắt nguồn từ phong tục chào đón vị thần năm mới Toshigamisama, vị thần tượng trưng cho sức khỏe, may mắn và phát đạt. Trước đây, Nhật Bản cũng đón Tết âm lịch nhưng hiện nay, quốc gia này đã chuyển sang đón Tết dương lịch như các nước phương Tây. Khoảnh khắc đầu tiên của năm được đánh dấu bằng 108 tiếng chuông trong tất cả các ngôi chùa ở Nhật Bản. Điều này dựa trên niềm tin của Phật giáo về việc gột rửa tội lỗi và mang lại sự thanh sạch trong năm mới.
Lễ hội năm mới ở Nhật Bản kéo dài 3 ngày với đầy đủ các trò chơi như đánh cầu lông Hanetsuki, chơi quay Komamawashi, đặc biệt là hoạt động thả diều Takoage với những chiếc diều có hình dáng, cách trang trí khác nhau tùy từng địa phương. Giống với các quốc gia châu Á khác, người Nhật cũng có truyền thống đi chùa đầu năm. Mọi người đến đây để cầu mong hạnh phúc, may mắn và thường mang bùa, quẻ về nhà để chiêm nghiệm cho năm sau.
Nam Phi
Lễ hội năm mới ở Nam Phi được tổ chức vào ngày 01/01 theo lịch của Gruzia. Những lễ hội lớn nhất đều diễn ra tại Cape Town với tiệc tùng xa hoa, âm nhạc tuyệt vời, vũ đạo, ẩm thực, rượu và pháo hoa lộng lẫy. Các lễ hội “đặc sản” của Nam Phi trong dịp năm mới bao gồm Kirstenbosch Gardens New Years Eve Concert, Rezonance New Years Eve Festival và đặc biệt nhất là Cape Town Minstrel Carnival. Lễ hội hóa trang Minstrels Carnival tới nay đã hơn 200 năm tuổi, bắt nguồn từ những nô lệ xa xứ gốc Nam Phi.
Hằng năm, khi được các chủ nô cho nghỉ làm vào dịp năm mới, họ thường về quê tổ chức các cuộc diễu hành, múa hát trên đường phố. Bên cạnh đó, lễ hội này cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các nhóm nghệ thuật đường phố người Mỹ gốc Phi. Vào những năm 1860, họ đã đến Cape Town biểu diễn cho các thủy thủ và binh lính xem để mưu sinh và mang các loại nhạc cụ, phong cách âm nhạc mới lạ đến với vùng đất này. Ngày nay, Minstrels Carnival là lễ hội hóa trang lớn nhất Nam Phi với những đoàn người mặc trang phục rực rỡ, vẽ mặt nhiều màu. Họ nhảy múa, chơi nhạc cụ và diễu hành khắp các đường phố Cape Town.
Brazil
Lễ hội năm mới ở Brazil được gọi là Ano Novo hoặc Réveillon. Là quốc gia lớn thứ năm trên thế giới và lớn nhất Nam Mỹ, không khó hiểu vì sao khi người dân nơi đây có phong tục truyền thống rất riêng biệt trong lễ kỷ niệm năm mới. Những lễ hội lớn được tổ chức trên khắp đất nước Brazil, nhưng lớn nhất có lẽ là ở thành phố xinh đẹp Rio de Janeiro. Trong đêm Giao thừa, người dân sẽ tập trung ở bãi biển để thưởng thức nửa giờ bắn pháo hoa trong khi ăn cơm và đậu lăng – biểu tượng của sự giàu có, thịnh vượng.
Người Brazil cũng có truyền thống nhảy qua 7 con sóng. Họ tin rằng mỗi lần nhảy lên một con sóng và nói lên ước muốn, ước muốn đó sẽ trở thành hiện thực trong năm sau. Sáng ngày đầu tiên của năm mới, thành phố Rio de Janeiro sẽ tổ chức Festa de Iemanjá – lễ hội tôn vinh nữ thần biển cả và mẹ của nước. Để được ban phước lành, người dân sẽ thả ra biển một chiếc thuyền chứa đầy những món quà, hoa thơm, nến nhiều màu sắc, đồ trang sức và cơm. Tất cả đều mặc trang phục màu trắng để mang lại may mắn và bình an cho cả năm.
Bahamas
Quần đảo Bahamas là một quốc gia nói tiếng Anh bao gồm 700 hòn đảo, cồn và đảo nhỏ, nằm trong Đại Tây Dương, ở phía Đông Hoa Kỳ. Lễ hội mừng năm mới ở Bahamas gọi là Junkanoo, diễn ra vào 26/12 (Boxing Day) và 01/01 (ngày đầu năm mới). Lễ hội năm mới Junkanoo được tổ chức ở nhiều nơi trên Bahamas, nhưng đáng chú ý nhất là ở Nassau. Từ 2h đến 10h sáng ngày đầu tiên trong năm, các vũ công đổ ra đường trong những trang phục rực rỡ đặc trưng của vùng Trung Mỹ và cùng ca hát, nhảy múa theo tiếng nhạc truyền thống phát ra từ còi, dụng cụ bằng đồng, trống da dê, sừng… Sự kiện thu hút hàng ngàn người tham gia và được xem như đặc trưng của nghệ thuật, văn hóa Bahamas.
Lễ hội năm mới này ra đời từ cuối thế kỷ 18, khi những người nô lệ được phép rời đồn điền và được tổ chức ăn mừng Giáng sinh như các tầng lớp khác. Junkanoo thực sự là một lễ hội náo nhiệt và rực rỡ mà bất cứ ai đến thành phố Nassau của quần đảo Bahamas đều không thể bỏ qua.
Đức
Berlin, thủ đô nước Đức, được xem là một trong những địa điểm đón năm mới đáng nhớ nhất ở châu Âu. Lễ hội năm mới ở đây gọi là Silvester. Đối với người dân bản địa, đây là sự kiện đặc biệt trong năm nên họ dành toàn bộ sự hào hứng để đảm bảo Berlin có được lễ hội vĩ đại nhất, phản ánh được sự giàu có, năng động, các nền văn hóa và truyền thống của thành phố.
Trong đêm Giao thừa, Berlin tổ chức một bữa tiệc ngoài trời cho hàng triệu người dân và du khách từ khắp nơi trên thế giới tại quảng trường Pariser Platz trước cổng Brandenburg – một địa danh nổi tiếng trong lịch sử Berlin nói riêng và nước Đức nói chung. Đó là một bữa tiệc dài gần 2km với các sân khấu, sàn nhảy và quầy bar. Bữa tiệc bắt đầu vào khoảng 6h30 đêm Giao thừa và kéo dài cho đến sáng hôm sau. Mọi người sẽ thưởng thức những món ăn đặc sản, khui những chai Sekt (rượu vang sủi của Đức), chiêm ngắm những màn trình diễn ánh sáng bằng đèn laze, và tất nhiên, không thể thiếu pháo hoa rực rỡ.
Ngoài khu vực trung tâm, tất cả các khu vực trong thành phố đều trở thành nơi trình diễn nghệ thuật của các DJ, ca sĩ, ban nhạc, vũ công, ảo thuật gia… Các đám đông tràn xuống đường phố. Họ uống, ca hát, ăn mừng, khiêu vũ, gây tiếng ồn để đánh dấu lời chào tạm biệt năm cũ, đồng thời đón chờ một năm mới “rộn rã” hơn.
(sưu tầm)